Từ một làng quê ngư nghiệp bên phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế), thông qua ý tưởng xây dựng làng bích họa như một dự án cộng đồng của các họa sĩ và tình nguyện viên đến từ một số trường Đại học của Huế và các trường Đại học trên địa bàn huyện Quảng Điền trang trí thành bức họa nhiều màu sắc trên tường thể hiện đầy đủ những hoạt động đặc trưng của làng chài, phản ánh đời sống thường nhật, tái hiện khung cảnh đầm phá với chiếc thuyền nan, sông nước, ao sen, vườn hoa, cảnh cư dân đánh bắt cá, tôm…Những bức bích họa nhiều màu sắc thay thế những bức tường cũ kỹ, đơn điệu, làm mềm mại những con đường, hàng rào bê tông trong làng, đồng thời, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đầm phá Ngư Mỹ Thạnh với những nguồn lợi thủy sản, góp phần thúc đẩy du lịch sinh thái phát triển, giúp khách tham quan hiểu hơn về vùng đất và con người nơi đây…
Là làng bích họa đầu tiên của Thừa Thiên – Huế, bức vẽ trên tường những ngôi nhà cấp bốn đã khiến Ngư Mỹ Thạnh không còn hình ảnh làng chài đơn điệu trước đây. Dạo quanh làng, ngắm nhìn khung cảnh, trò chuyện với người dân và hòa vào cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của một làng chài điển hình vùng Trung Bộ mới thấy sự chân chất, giản dị, thân thiện, hiếu khách của họ. Những bức bích họa mộc mạc khiến cho đời sống, sinh hoạt của người dân trong làng trở nên rộn ràng, vui tươi hơn. Những sắc màu rực rỡ khiến con đường quê ở làng Ngư Mỹ Thạnh trở nên sáng sủa, sống động, tươi mới, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch khi đến Huế, cũng như đến tham quan phá Tam Giang.
Thời gian tới, sẽ có thêm nhiều bức bích họa được vẽ cũng như một số hạng mục, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch được đầu tư, triển khai, góp phần phát huy những tiềm năng mà Ngư Mỹ Thạnh đang có để phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nếu ở miền Tây Nam Bộ nổi tiếng bán các sản vật chủ yếu là nông sản, các loại trái cây, rau củ, thức ăn… thì chợ nổi Ngư Mỹ Thanh mang một nét riêng biệt là nơi mua bán các loại thủy sản như: tôm, cá, cua, lươn…được người dân đánh bắt từ phá Tam giang-một hệ đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Chợ nổi thường bắt đầu từ 4 đến 7 giờ sáng hàng ngày, khi trời còn tờ mờ sáng, trên một vũng đầm hàng trăm chiếc thuyền chài của ngư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh, thôn Cư Lạc và một số vùng lân cận sau khi đánh bắt về tập trung ở đây làm nhộn nhịp cả một khu đầm yên ả. Thành quả sau một đêm quăng chài, thả lưới là cá bống, tôm, cua, lươn…những đặc sản của vùng sông nước Tam giang được người dân đem bán cho những lái buôn chuyên thu mua tôm cá của ngư dân. Cảnh mua bán diễn ra rất nhanh và thanh bình, không ồn ào, đông đúc chen lấn, không có cảnh kỳ kèo thêm bớt thay vào đó là tiếng cười, những câu nói vui đùa, niềm vui phấn khởi của ngư dân khi bắt được nhiều tôm cá. Sau khi thu mua các lái buôn trả tiền và chuyển sang những chiếc đò khác, cứ như thế cho đến khi hừng đông, cảnh buôn bán cũng thưa dần, các lái buôn cũng bắt đầu gom những sản phẩm mua được để chuẩn bị cho buổi chợ sớm trên bờ, từ đây các đặc sản tôm cá của Tam giang tỏa đi khắp các chợ lân cận và thành phố Huế. Khi mặt trời ló lên thì cũng là lúc chợ nổi kết thúc, những chiếc thuyền chài tập trung tại một bãi đậu, những ngư dân sắp xếp lại ngư lưới cụ để chuẩn bị lại cho chuyến đánh bắt tối hôm sau.
Ngày nay, chợ nổi thủy sản Ngư Mỹ Thạnh là một trong những điểm thu hút khá đông khách du lịch khi đến Quảng Điền, đến đây du khách được tận mắt chứng kiến cảnh họp chợ thật đặc biệt này. Không đông đúc, nhộn dịp nhiều màu sắc như chợ nổi miền Tây Nam Bộ, chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh có gì đó đầm ấm, gần gũi thanh bình đây cũng chính là nét văn hóa truyền thống của quê hương.
04 Dec 2023 * Admin
25 Nov 2023 * Admin
16 Nov 2021 * Admin